Organic

Thuật ngữ “hữu cơ” dùng để chỉ quá trình sản xuất một số loại thực phẩm nhất định. Thực phẩm hữu cơ là khái niệm để chỉ các thực phẩm được nuôi hoặc trồng mà không sử dụng:

  • Hóa chất nhân tạo (thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, chất bảo quản…)
  • Hormone kích thích tăng trưởng
  • Kháng sinh hoặc sinh vật biến đổi gen

Một số sản phẩm chế biến sẵn yêu cầu không có phụ gia thực phẩm nhân tạo như chất bảo quản, chất tạo màu, chất làm ngọt nhân tạo, hương liệu hay bột ngọt (MSG hay còn gọi là mì chính).

Thực phẩm hữu cơ đa dạng từ thực phẩm tươi cá, thịt, trứng, rau cho đến các sản phẩm làm từ sữa, thịt, thực phẩm chế biến sẵn như soda, bánh quy, ngũ cốc...Chính vì thế, đừng nghĩ, thực phẩm hữu cơ (Organic) chỉ có rau xanh nhé.

Như vậy, có thể thấy, khái niệm thực phẩm hữu cơ (Organic) không cao siêu như chúng ta vẫn nghĩ, đơn giản nó là nhóm thực phẩm được sản xuất thông qua các biện pháp canh tác chỉ sử dụng các chất tự nhiên, nghĩa là tránh tất cả các hóa chất nhân tạo, chất kích thích, kháng sinh hay sinh vật biến đổi gen (GMO).

Đến xã Thanh Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội) không khó để bắt gặp cảnh hệ thống mương tưới tiêu, thoát nước có những đàn cá tung tăng bơi lội, minh chứng cho thấy môi trường khu vực này tốt.

Theo chia sẻ của bà con nơi đây, việc theo đuổi mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, không chỉ giúp đem lại thu nhập tốt và ổn định cho nông dân mà còn tạo ra hệ sinh thái trong lành, an toàn cho sức khỏe con người.

Bà Chu Thị Chung, thôn Trung Na, Thanh Xuân tâm sự: Gia đình bà làm rau hữu cơ hơn chục năm nay và nhận thấy khâu làm cỏ là vất vả nhất, bởi rau hữu cơ tuyệt đối không được sử dụng thuốc trừ cỏ nên hầu như lúc nào bà con nông dân cũng có mặt trên đồng ruộng. Nhưng đổi lại, làm rau hữu cơ cho thu nhập tốt và ổn định nên phần lớn nông dân đã dần quen với việc coi nhổ cỏ là niềm vui.

Xã Thanh Xuân là địa phương đi đầu trong phong trào sản xuất rau theo phương pháp hữu cơ của Hà Nội. Với diện tích gần 30ha và hàng chục chủng loại rau củ quả. Bình quân, mỗi tháng Thanh Xuân cung cấp cho thị trường Thủ đô 40 - 50 tấn rau hữu cơ các loại.

Theo ông Ngô Văn Nghị, Giám đốc HTX Trung Na, xã Thanh Xuân: Khi làm Nông nghiệp hữu cơ, thay đổi lớn nhất là tập quán. Trước kia, không làm rau hữu cơ, nông dân chỉ sản xuất theo mùa vụ, giờ thành vùng rau chuyên canh, sản xuất quanh năm.

Thay đổi thứ 2 là môi trường sinh thái trong lành, các loại rau được đa dạng đan xen nhau. Nếu như trước đây 1 sào gần như chỉ có 1 loại rau, gây khó khăn trong việc tiêu thụ. Nay rau được trồng đa dạng xen canhm gối vụ nên việc tiêu thụ thuận lợi, dễ dàng hơn rất nhiều.

Trồng rau hữu cơ không chỉ giúp bà con nông dân xã Thanh Xuân, Sóc Sơn có thu nhập ổn định và còn được hưởng môi trường sinh thái trong lành. Ảnh: ĐM.
Trồng rau hữu cơ không chỉ giúp bà con nông dân xã Thanh Xuân, Sóc Sơn có thu nhập ổn định và còn được hưởng môi trường sinh thái trong lành. Ảnh: ĐM.

Còn ông Chu Xuân Tân, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Xuân cho biết: Xã Thanh Xuân xác định thương hiệu phải đặt lên hàng đầu. Rau tuy số lượng ít nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng nên việc quản lý đối với phân bón cũng như thuốc trừ sâu luôn được đặt lên hàng đầu và phải đảm bảo theo đúng qui trình hướng dẫn.

Theo cán bộ bảo vệ thực vật huyện Sóc Sơn, để rau hữu cơ Thanh Xuân bảo đảm chất lượng, nông dân trồng rau phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc 5 không, là không sử dụng phân bón hóa học, không dùng chất biến đổi gene, không dùng chất kích thích sinh trưởng, không dùng các loại thuốc diệt cỏ và không dùng thuốc trừ sâu hóa học.

Phó Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Hà, chia sẻ, trong chương trình sản xuất rau nhiều năm nay, đặc biệt năm 2021, đơn vị đã tiếp nhận và chuyển giao rất nhiều tiến bộ kỹ thuật giúp bà con nông dân Thanh Xuân nói riêng và Sóc Sơn nói chung sản xuất rau an toàn.

Đó là các mô hình bẫy bả chua ngọt diệt trừ sâu khoang, màng phủ passline,… trên các loại cây trồng, đảm bảo cho việc sản xuất được an toàn ngay từ những ngày đầu. Hạn chế không dùng thuốc bảo vệ đến mức tối đa trong sản xuất nông nghiệp, để không ảnh hưởng tới môi trường và xã hội.

Nhờ kiểm soát chặt chẽ về quy trình và chất lượng, từ nhiều năm nay, rau hữu cơ Thanh Xuân đã xây dựng được thương hiệu, trở thành đối tác uy tín cung cấp rau cho các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng trên địa bàn Thủ đô. Đặc biệt, nhiều vùng rau chuyên canh khác của Hà Nội, từ bài học thành công của Thanh Xuân, cũng bắt đầu chuyển một phần diện tích sang sản xuất hữu cơ.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, giai đoạn 2020 - 2025, thành phố Hà Nội coi việc thúc đẩy mở rộng sản xuất rau hữu cơ là một trong những nhiệm vụ quan trọng, qua đó góp phần cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, tăng thu nhập bền vững cho nông dân.

Giá trị tăng 50-60% nhờ đạt tiêu chuẩn hữu cơ EU, Mỹ


Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ Linh Nham (HTX Linh Nham, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) thành lập từ tháng 2/2020, gồm 8 hộ thành viên với 24 ha hồ tiêu và 1 ha cà phê. Đối với cây tiêu, thông qua hợp tác liên kết xây dựng mô hình hữu cơ đạt chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế, HTX Linh Nham đã hoàn thành việc tái đánh giá chứng nhận cho hạt tiêu đen theo tiêu chuẩn Hữu cơ Quốc tế (USDA và EU) tại xã Đắk DJ’Răng, huyện MangYang.

                  Ông Nguyễn Thành Châu bên vườn hồ tiêu hữu cơ.

Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ hồ tiêu luôn đối mặt với nhiều bất ổn, nhất là về giá cả thì sự ra đời của dòng sản phẩm cao cấp như tiêu đen hữu cơ mà HTX Linh Nham phát triển trong thời gian qua được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu, giúp đầu ra ổn định hơn.

Giám đốc HTX Linh Nham, ông Nguyễn Thành Châu, chia sẻ: Làm tiêu hữu cơ không chỉ là việc sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học để giúp bảo vệ sức khỏe con người, mà còn liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường và các sinh vật trong môi trường canh tác. Hơn nữa, năng suất lại ổn định, năm nào thấp cũng đạt 4 tấn khô/ha.

Được biết, HTX Linh Nham đã nuôi ý tưởng làm tiêu tiêu hữu cơ từ năm 2015. Đến năm 2017, HTX đã có sản phẩm tiêu hữu cơ bán cho Công ty Chế biến gia vị Nedspice Việt Nam, đạt tiêu chuẩn Châu Âu. Năm 2020, sản phẩm tiêu hữu cơ Linh Nham đã đạt chứng nhận quốc tế tiêu hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA và EU. Từ đó, sản phẩm tiêu hữu cơ Linh Nham tăng thêm giá trị thu nhập 50 - 60%, mang lại lợi nhuận cao cho các hộ thành viên trong HTX nói riêng và HTX Linh Nham nói chung.

Tiêu đen Linh Nham đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Ảnh: Đ.L.
Tiêu đen Linh Nham đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Ảnh: Đ.L.

Ông Lê Hồng Nam ở thôn Linh Nham, xã Đăk DJ’Răng (huyện Mang Yang) là một trong những hộ thành viên tham gia vào HTX ngay từ những ngày đầu thành lập. Với 4 ha hồ tiêu, trong đó 2 ha đã cho thu hoạch, ông cho biết tham gia vào HTX có nhiều cái lợi như tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, làm ra được sản phẩm sạch và có đầu ra ổn định.

Thông qua việc chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn tiêu hữu cơ EU và Mỹ, giá trị hạt tiêu đã được gia tăng hơn sản phẩm thông thường, đặc biệt là trong thời gian hạt tiêu bị rớt giá trầm trọng như những năm vừa qua.

Cũng nhờ đạt sản phẩm chứng nhận hữu cơ, HTX Linh Nham đã được các cấp chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, theo đó càng làm tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm lên hàng chục lần so với nguyên liệu thô, giúp cho thành viên tham gia có thêm thu nhập từ sản phẩm của mình.

Tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt
Ông Nguyễn Thành Châu, Giám đốc HTX Linh Nham cho biết: Tiêu đen hữu cơ có sự khác biệt rõ nét mà nhiều người vẫn còn nhầm lẫn. Để đạt được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ và EU, tiêu được sản xuất theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, hạn chế thấp nhất việc sử dụng phân hóa học, thuốc BVTV, thuốc kích thích… nhằm giảm tối đa dư lượng hóa chất tồn đọng trong sản phẩm như nitrat, thuốc BVTV, kim loại nặng và vi sinh vật gây bệnh. Ngoài ra, tiêu còn được canh tác trên đất trồng đảm bảo các yếu tố theo tiêu chuẩn, sử dụng phân bón theo hạn mức cho phép, sử dụng giống cây trồng chất lượng…Tiêu đen hữu cơ của HTX Linh Nham được Mỹ và châu Âu công nhận đạt chuẩn 

Tiêu đen hữu cơ của HTX Linh Nham được canh tác trong điều kiện thuần tự nhiên, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV, thuốc diệt cỏ, không sử dụng sản phẩm biến đổi gen… Tiêu được canh tác trong điều kiện hoàn toàn từ tự nhiên nên tiêu đen hữu cơ có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn, theo đó giá bán cao hơn rất nhiều so với quy trình canh tác thông thường.

Ngoài việc sản xuất, chế biến và phân phối hàng nông sản thế mạnh trên vùng đất Tây Nguyên, hiện nay HTX Linh Nham còn chú trọng đầu tư, phát triển tiêu đen hữu cơ đạt tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ. Sản phẩm là sự kết hợp giữa kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại và hệ sinh thái tự nhiên. Vì thế, tiêu đen hữu cơ Linh Nham được thị trường rất ưa chuộng bởi chất lượng vượt trội, độ an toàn tuyệt đối và hàm lượng dinh dưỡng cao...

Bên cạnh hồ tiêu hữu cơ, HTX Linh Nham còn chú trọng phát triển các sản phẩm rau, củ, quả và trái cây an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, gồm dưa leo, mướp đắng, bí đỏ, bí xanh, rau các loại, măng tây, ớt, khoai môn, quả bơ, cam, quýt…

Tất cả sản phẩm của HTX Linh Nham khi đưa ra thị trường được đóng gói, trên bao bì có nhãn hiệu (được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cấp), Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ, có dán tem truy xuất nguồn gốc…

“Nguồn nguyên liệu đầu vào của sản phẩm được sản xuất tại địa phương nên có tính ưu việt và nét đặc trưng riêng, tạo thành chuỗi sản xuất giá trị, giải quyết được đầu ra sản phẩm ổn định cho nông dân khi tham gia liên kết, tạo việc làm cho lao động tại chỗ.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xây dựng thương hiệu riêng về sản phẩm nông nghiệp an toàn, đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường và người tiêu dùng. Khi mua hàng của HTX, người tiêu dùng có sẽ biết rõ các thông tin, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm… Đây là thế mạnh của Linh Nham để tiếp tục phát triển trong thời gian sắp tới”, ông Nguyễn Thành Châu, Giám đốc HTX Linh Nham cho biết thêm

Thu nhập gấp 3 - 4 lần trồng ngô, sắn

Ông Thào Quán Thành ở thôn Sán Trá (xã Lùng Cải, huyện Bắc Hà, Lào Cai) cho biết, trước đây diện tích đất canh tác của gia đình chỉ trồng cây ngô, cây sắn. Cho đến năm 2017, trong một lần đi tập huấn và tận mắt thấy hiệu quả của trồng dược liệu thì năm 2019 ông quyết định chuyển sang trồng dược liệu.

Ngày xưa trồng lúa, trồng ngô theo phương pháp truyền thống, phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên hiệu quả không cao. Có vụ mất mùa do mưa đá hoặc bão lũ, đặc biệt có vụ ngô bị mốc, hỏng chỉ cho con lợn, con gà ăn.

                              Cánh đồng dược liệu của người dân 

"Từ khi trồng dược liệu, mỗi năm gia đình tôi thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Số tiền này đủ chi phí sinh hoạt gia đình và mua sắm những vật dụng cần thiết như tivi, tủ lạnh, xe máy...", ông Thành cho biết.

Hiện gia đình ông trồng 3 ha tam thất nam, 5 ha địa liền. Cả 2 loại cây này trồng từ cuối tháng 11 năm trước kéo dài đến tháng 12 năm sau là cho thu hoạch.

Các cây này bản chất là cây có ngoài đồi rồi nay chỉ trồng trên diện tích lớn, thương phẩm. Do phù hợp thổ nhưỡng điều kiện khí hậu nên cây sinh trưởng tốt, ông Thành thông tin thêm.

Quá trình trồng dược liệu, người dân phải tuân thủ các quy trình, kỹ thuật nghiêm ngặt. Trước đó, toàn bộ diện tích trồng đều được các doanh nghiệp dược liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm với bà con tiến hành lấy mẫu đất, mẫu nước tưới để kiểm tra, phân tích các chỉ tiêu hóa chất trong đất, đảm bảo không có chất độc hại.

Thay vì tự do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhất là thuốc trừ cỏ như trồng ngô, trồng sắn trước đây, khi chuyển qua trồng cây dược liệu, toàn bộ quá trình chăm sóc, bà con phải tuân theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, không được sử dụng các loại thuốc trừ cỏ, các chất cấm... Nhờ đó, môi trường sinh thái ngày càng được cải thiện.

Gia đình ông Ngải Seo Phà ở thôn Lả Dì Thàng (xã Tả Văn Chư, huyện Bắc Hà) hiện trồng 5 ha cát cánh, 3 ha địa liền, 2 ha tam thất nam. Ông Phà cho biết, hiện nay gia đình đã xây được ngôi nhà mới.

Đây là niềm mơ ước của những hộ dân vùng cao bởi thu nhập của họ rất thấp, chưa kể tới chi phí để xây nhà ở vùng này khá cao do địa hình, đường sá vận chuyển vật liệu rất tốn kém.

Ông Phà cho biết, khi chuyển sang trồng dược liệu, cùng một diện tích trên đất trồng ngô trước đây nhưng thu nhập gấp 3 - 4. Nhà có 4 người lớn hiện nay chủ yếu ở nhà chăm sóc số dược liệu đã trồng, không phải đi làm xa, làm thuê bên Trung Quốc như trước kia.

Cán bộ kỹ thuật hỗ trợ bà con  trồng dược liệu ngay tại đồng ruộng. 

Bà Nguyễn Thị Huê, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà cho biết, Trung tâm đã phối hợp với một số tổ chức và UBND các xã đã thành lập các tổ nhóm, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến người dân qua cán bộ khuyến nông.

Đặc biệt, từ việc trồng dược liệu, đã giúp chị em phụ nữ, nhất là đồng bào thiểu số có chính kiến trong việc lựa chọn loại trồng cây gì để mang lại hiểu quả kinh tế cao hơn cho gia đình họ.

Thay đổi tư duy, tập quán sản xuất theo hướng hữu cơ, bền vững

Ông Sùng Seo Sếnh, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Cồ Dề Chải (huyện Bắc Hà) - đơn vị thu mua dược liệu của bà con cho biết: Cứ 2 - 3 tháng, HTX tập huấn nhắc lại quy trình cho những hộ tham gia trồng dược liệu một lần.

Những loại cây dược liệu rất phù hợp điều kiện tự nhiên, thời tiết ở Bắc Hà. Tuy nhiên, khi thu hoạch, bà con phải lưu ý không được để lẫn lộn các loại cây và những dụng cụ dùng để đựng hoặc vận chuyển phải đảm bảo sạch sẽ và khô ráo.

"Hiện nay, HTX đã bắt đầu triển khai mô hình tưới nhỏ giọt, tưới phun sương trên diện tích trồng dược liệu. Đây công nghệ tưới của Israel đã được làm mô hình ở HTX và sẽ triển khai xuống diện tích trồng của các hộ dân", ông Sếnh nói.

Hiện nay, tại Bắc Hà, mô hình hợp tác đồng đầu tư trồng dược liệu được triển khai phổ biến với số lượng lớn nông dân tham gia. Có 35 tổ nhóm liên kết sản xuất cây dược liệu với 722 hộ gia đình và 1.622 người hưởng lợi, trong đó chủ yếu là người phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhờ đó tạo được vùng trồng dược liệu được ổn định với diện tích khoảng 100 ha, trong đó 26 ha đã được cấp Giấy chứng nhận GACP (Tiêu chuẩn trồng và thu hái dược liệu của Bộ Y tế).

Tại Bắc Hà, hiện có 2 HTX tham gia hỗ trợ bà con trồng, chăm sóc và tiêu thụ dược liệu. Trong đó, HTX Cồ Dề Chải đã xây dựng được xưởng sơ chế chuyên dành cho dược liệu, là nơi tổ chức các buổi giao lưu học tập kinh nghiệm về dược liệu cho người dân trong số các hộ dân.

Không chỉ cải thiện thu nhập, trồng dược liệu đã góp phần cải thiện môi trường sinh thái bền vững, tạo điều kiện xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: ĐH.
Không chỉ cải thiện thu nhập, trồng dược liệu đã góp phần cải thiện môi trường sinh thái bền vững, tạo điều kiện xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: ĐH.

HTX Công nghệ cao Lùng Phình hỗ trợ quy trình trồng, chăm sóc, thu hái dược liệu, quản lý nhà sấy năng lượng mặt trời; hỗ trợ người dân sấy cả nông sản khi họ có nhu cầu… Tại đây, một số mô hình rau củ, dâu tây đã được triển khai để kết nối và tập hợp các thành viên còn lại của các hộ tham gia trồng dược liệu.

Ông Nguyễn Duy Giang, Giám đốc HTX Công nghệ cao Lùng Phình cho biết: Mô hình trồng cây dược liệu đã thực sự làm thay đổi một phần tư duy và cách nghĩ của người dân, tạo sự chuyển biến, thay đổi cách làm trong việc trồng trọt và chăm sóc cây, bao gồm cả cây rau màu và một số cây dược liệu.

Nhiều hộ đã tự tin chuyển đổi từ trồng cây truyền thống như ngô, rau hoặc vườn tạp sang trồng cây dược liệu. Một số diện tích trước đây bỏ hoang do không có nguồn nước, sau khi được đầu tư khoan giếng, lập ao chứa nước hoặc hỗ trợ dây ống dẫn nước đã được dùng để trồng những loại dược liệu mới...

Việc trồng cây dược liệu cũng đồng thời phải đi đôi với việc tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt, hạn chế được sự lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc BVTV, các hóa chất độc hại, là nền tảng quan trọng để tiến tới xây dựng một nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái..

Facebook Youtube