Chuyển đổi cơ cấu cây trồng cần phải được gắn với tính ổn định về giá cả và đầu ra cho sản phẩm

 

Trước đây, với hơn 5 ngàn trụ, vào thời hoàng kim của cây tiêu, lúc bấy giờ gia đình chị Nguyễn Thị Hiền thu về được tiền tỷ sau mỗi vụ thu hoạch. Thế nhưng, do tình trạng sâu bệnh, giá cả giảm thấp nên hiệu quả kinh tế mang lại từ cây tiêu không còn được như trước, thậm chí là thua lỗ. Trước thực trạng đó, qua nghiên cứu, tìm hiểu, vợ chồng chị Hiền quyết định phá bỏ phần lớn những diện tích tiêu già cỗi, sâu bệnh để chuyển sang trồng sầu riêng, chủ yếu là giống Ri 6, Thái Lan, sầu riêng sữa…Với tổng số hơn 800 cây sầu riêng, trong đó hơn 100 cây đã cho thu hoạch, với giá như năm ngoái bán tại vườn là 40 ngàn đồng/ kg, sau khi trừ chi phí đầu tư chị Hiền cho thu lãi được gần 500 triệu đồng. Lợi nhuận cao như vậy nhưng theo chia sẻ của chị Hiền cũng khá rủi ro.

Chị Nguyễn Thị Hiền, xã Ia Blang, huyện Chư Sê nói: “Ở đây thì cứ đến vụ thu hoạch là thương lái tự tìm đến mua hái tại vườn. Trông như vậy chứ cũng rủi ro lắm do sâu bệnh, rồi giá cả nữa. Nếu ổn định giá như các năm trước thì trồng có lãi, chứ bây giờ nhiều người trồng chưa chắc bán đã được giá. Nhưng đến đâu biết đến đó chứ biết làm thế nào? Trồng tiêu bây giờ cũng không ăn thua mặc dù năm vừa rồi giá tăng lại nhưng rủi ro lắm”.

Những lo lắng của chị Hiền là hoàn toàn có cơ sở. Vì thực tế hiện nay, phong trào trồng cây ăn trái, trong đó chủ yếu là sầu riêng, bơ, xoài, mít, chuối, chanh dây…đang phát triển mạnh ở nhiều địa phương. Chỉ tính riêng xã Ia Blang, vốn là địa phương có diện tích hồ tiêu nhiều nhất huyện Chư Sê với tổng số hơn 700 ha, tuy nhiên, theo thống kê của xã, hiện nay chỉ còn khoảng 100 ha, thay vào đó là diện tích cà phê xen canh cây ăn trái.

Ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch UBND xã Ia Blang, huyện Chư Sê nêu: “Sau một thời cây tiêu là cây trồng chủ lực của xã thì hiện tại là cây ăn trái. Trên địa bàn xã hiện nay có rất nhiều mô hình cây ăn trái được người dân chuyển đổi từ những diện tích tiêu già cỗi, bị sâu bệnh chết. Trước mắt qua đánh giá các mô hình trồng cây ăn trái trên địa bàn xã thấy cũng có hiệu quả, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên để việc chuyển đổi đảm bảo tính ổn định hơn thì cần phải tăng cường tính liên kết trong sản xuất thông qua hợp tác xã hay các doanh nghiệp để ổn định đầu ra, giá cả cho sản phẩm”.

 Toàn tỉnh hiện có 20.600 ha cây ăn quả. Theo Đề án phát triển rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040, đối với cây ăn quả, tỉnh Gia Lai phấn đấu đến năm 2025 phát triển khoảng 55 ngàn ha, đến năm 2030 là 90 ngàn ha và giữ ổn định đến năm 2040. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu đặt ra, một trong những giải pháp mà tỉnh Gia Lai sẽ đẩy mạnh thực hiện, đó là tăng cường các chuỗi liên kết sản xuất giữa nông dân với các hợp tác xã và doanh nghiệp, một trong những giải pháp đang được tỉnh Gia Lai thực hiện khá thành công.

 Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Gia Lai cho biết: “Trong năm nay ngành cũng sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt chuỗi liên kết sản xuất, nhất là duy trì các chuỗi liên kết sản xuất đã thực hiện trong thời gian vừa qua và tiếp tục mở rộng chuỗi liên kết mới để đem lại hiệu quả cao hơn, nhất là chuỗi liên kết giữa tỉnh với Tập đoàn Lộc Trời với HTX, người dân trong chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo, rau, cây ăn quả…Ngành đã làm việc cụ thể với các doanh nghiệp, hợp tác xã, địa phương và cũng đã chuẩn bị các chuỗi liên kết trong năm na để thúc đẩy việc triển khai thực hiện các chuỗi liên kết, từ đó diện tích thực hiện chuỗi liên kết cũng sẽ tăng nhanh trong thời gian tới”.

 Đề án phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đang được các doanh nghiệp lớn quan tâm. Đây sẽ là tiền đề để tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn lớn vào đầu tư phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả theo hướng nông nghiệp công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Đồng thời, tỉnh cũng đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khoảng 4-5 nhà máy chế biến rau, hoa và trái cây xuất khẩu. Với một chiến lược đang được tỉnh Gia Lai nỗ lực thực hiện như vậy, hy vọng tương lai không xa, ngành sản xuất rau, hoa và cây ăn quả Gia Lai sẽ có chỗ đứng trên thị trường thế giới và có thể xuất khẩu thu về 1 tỷ USD.

Chúng ta luôn xác định nông nghiệp là nền tảng, là bệ đỡ để nền kinh tế có điều kiện phát triển, nhưng trên thực tế bản thân ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Nhất là thời gian gần đây nhiều mặt hàng vật tư nông nghiệp đồng loạt tăng cao,điều này cũng đồng nghĩa người nông dân gặp khá nhiều khó khăn, và đây chỉ mới là một phần trong các sản phẩm nguyên liệu đầu vào của ngành nông nghiệp.Theo đó cần sớm ban hành“Quỹ Bình ổn giá đối với nông sản”. Trước mắt có thể ưu tiên cho những sản phẩm chủ lực quốc gia như lúa gạo, tôm cá và trái cây. Bởi điều này không chỉ giúp ngành hàng nông sản chủ lực tránh được những tác động bất lợi của thị trường, phát huy lợi thế đặc thù để phát triển bền vững trong thời gian tới.Bên cạnh đó cần có cơ chế chính sách riêng cho các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm để ưu tiên đầu tư hạ tầng nông nghiệp, đầu tư phát triển hệ thống logistic, các kho trữ lạnh để giải quyết vấn đề lưu trữ nông sản vào những thời điểm thu hoạch cao điểm và phục vụ tốt tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

 

Nếu bạn thấy hữu ích hãy chia sẻ

Hãy cho chúng tôi biết ý kiến của bạn về Chuyển đổi cơ cấu cây trồng cần phải được gắn với tính ổn định về giá cả và đầu ra cho sản phẩm nhằm cải thiện tốt hơn sản phẩm, dịch vụ cho bạn

Gửi đánh giá của bạn
Facebook Youtube